Sở hữu trí tuệ

Sở hữu trí tuệ là gì

Sở hữu trí tuệ thực chất là gì? Tại sao phải coi nó là yếu tố sống còn của 1 doanh nghiệp, thậm chí với cả những doanh nghiệp có quy mô khiêm tốn nhất?

Sở hữu trí tuệ (SHTT) không đơn giản chỉ là những tấm bằng sáng chế bạn đang nắm giữ trong tay. Tùy từng trường hợp, nó còn có thể là thương hiệu, hình ảnh, âm điệu, phần mềm, các tác phẩm hội họa, nói tóm lại là bất cứ sản phẩm gì do lao động trí óc tạo ra.

Khi xã hội phát triển, nhu cầu vật chất thiết yếu được đáp ứng đầy đủ thì những giá trị tinh thần này càng được coi trọng. Nếu người nắm giữ sản phẩm vô hình này không biết cách bảo vệ, rất dễ dàng chúng sẽ “trôi tuột” vào tay kẻ khác.

Chính vì thế, vấn đề về bản quyền, bằng sáng chế, đăng kí thương hiệu luôn được đặt ra như một trong những điều kiện tiên quyết đối với sự thành bại của doanh nghiệp. Dù đó chỉ là cái tên hay một đặc trưng nào đó của sản phẩm/ dịch vụ, thì giải quyết tốt vấn đề SHTT sẽ giúp doanh nghiệp duy trì bước phát triển bền vững cũng như đón đầu đối thủ trong các chiến lược cạnh tranh.

Xuất phát điểm đầu tiên của SHTT phải nằm trong chính kế hoạch kinh doanh tổng thể của doanh nghiệp. Trong đó, cần chú trọng những điểm sau:

  • Bằng sáng chế: Đó là những văn bằng hợp pháp miêu tả chi tiết những phát minh kĩ thuật, cho phép người sở hữu, trong thời gian hiệu lực nhất định, khai thác, hưởng lợi từ phát minh đó, đồng thời có quyền ngăn cấm bất kì ai khác sử dụng chúng.
  • Bản quyền: là sự bảo vệ hợp pháp đối với 1 sản phẩm mang tính sáng tạo, ví dụ: tác phẩm hội họa, âm nhạc, văn chương, các bộ phim, chương trình phát sóng, các bản thu âm, phần mềm máy tính... Khác với bằng sáng chế, bản quyền tự động phát sinh ngay từ khi tác phẩm được tạo lập và xuất bản. Bản quyền có thể bảo vệ quyền lợi của người sở hữu khi không có bằng sáng chế.
  • Nhãn hiệu được đăng ký: là cơ sở pháp lý để xây dựng và phát triển thương hiệu, là công cụ để tạo nhận thức và gây ấn tượng về sản phẩm/ dịch vụ trong tâm trí người tiêu dùng.

Vì sao phải bảo vệ sở hữu trí tuệ?

Một trong những lợi ích thiết thực dễ thấy nhất từ SHTT là đặc quyền sử dụng phát minh, sáng chế, thương hiệu. Điền này tạo ra vị thế cạnh tranh rõ rệt đối với các đối thủ trên thương trường. Không những thế, bản chất của những sản phẩm mang tính sáng tạo là khả năng tạo ra lợi nhuận cao. Do đó, quản lý tốt vấn đề SHTT có ảnh hưởng trực tiếp và quan trọng đến doanh thu, lợi nhuận cũng như các chỉ số tăng trưởng hàng năm của doanh nghiệp.

Đối với những doanh nghiệp đang tìm cách tăng vốn, quản lý SHTT có thể là 1 công cụ hữu ích, bởi nó làm tăng niềm tin của các nhà đầu tư cũng như các nhà phân tích. Ví dụ, 1 doanh nghiệp nắm trong tay càng nhiều bằng sáng chế thì càng được định giá cao, cả trước và sau khi phát hành cổ phiếu.

Những lý do trên đây không chỉ đơn thuần giải thích cho sự cần thiết và tầm quan trọng của quản lý SHTT trong từng doanh nghiệp, mà hơn hết, nó còn đặt ra một câu hỏi vô cùng thiết thực: vậy các đối thủ cạnh tranh khác đã có chiến lược quản lý SHTT hay chưa, họ đã nắm trong tay những bảo bối SHTT nào?

Đó là câu hỏi thực sự cần lời giải đáp.